“…Các Hội, Đoàn, tố chức xã hội... phải là nơi Tự nguyện tham gia của những người cùng Chí hướng, cùng Sở thích, Hứng thú; kích thích, hỗ trợ nhau Thăng hoa trong các hoạt động vui thích và sáng tạo (chứ không phải là nhóm lợi ích ăn chia, hay công cụ để bóp nghẹt Cái Tôi của các thành viên...)…”

Sigmund Freud
(Thưa các bạn, bài này tôi viết năm 2019, dựa vào trí nhớ và những trải nghiệm cá nhân. Nay đọc cuốn “FREUD trong 60 phút”, được nhà Tâm lý học Hoàng Lan Anh, ở Đức, dịch giả của cuốn sách này tặng, thấy có đôi chỗ cần chính xác hoá, bổ sung. Vậy xin đăng lại).
*****
Từ vụ người đàn ông Nguyễn Văn Đông ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội), sáng ngày 01/9/2019, dùng dao chém chết 05 người trong gia đình người em ruột (1), đã dấy lên nhiều câu hỏi và cũng đã có những bài viết phân tích nguyên nhân từ các góc độ khác nhau (2). Bài viết này góp thêm góc nhìn Tâm lý học theo S. Freud, để thấy tình trạng chung của xã hội, mà vụ án trên chỉ là một trường hợp điển hình.

1. SƠ LƯỢC VỀ TÂM LÝ HỌC FREUD (Phân tâm học)
Sigmund Freud, nhà Tâm lý học nổi tiếng người Áo (1856 – 1939) quan niệm rằng, tâm lý con người được cấu trúc bởi một số yếu tố và có cơ chế chi phối lẫn nhau, đồng thời luôn chịu tác động từ xã hội, nếu không giữ được cân bằng sẽ làm rối loạn cơ cấu bên trong và dẫn đến những lời nói, hành động sai lệch, bệnh hoạn, thậm chí điên loạn...
Theo Freud tầng sâu thẳm của tâm lý con người là VÔ THỨC, trong đó bao gồm những BẢN NĂNG (sinh tồn, dục năng, xúc cảm, khoái cảm, ước muốn, sợ hãi, hung hãn...) và nhiều cái HỮU THỨC bị chìm vào vô thức (những thèm muốn, mong ước, đau khổ, hận thù, tội lỗi, mặc cảm, thành kiến, định kiến, niềm tin...), những trải nghiệm đó tưởng đã quên đi, đã dẹp bỏ... nhưng thực ra nó lẩn vào vô thức, hoà trộn vào nhau trong “cái thùng vô thức hỗn độn” và sẽ bùng lên trong những tình huống nhất định. Chính cái “vạc táp pí lù” những Bản năng sôi sục cùng với những cái “chốt cắm” trong Tiềm thức mới là động lực chính, thúc đẩy người ta nói năng, hành động hăng nhất...
Trong Phật pháp thì gọi cái “thùng” vô thức này là những Tham, Sân, Si, Ngã chấp...thúc đẩy người ta hành động VÔ MINH (Có cả Vô thức, Vô minh tập thể). Khác với các Triết học Duy lý (trong đó có chủ nghĩa Mac – Lê) Freud coi thế giới Vô thức mới thực sự chi phối một cách tự nhiên, thường xuyên, bền vững, cấp thiết nhất đối với đời sống Tâm lý mỗi cá nhân và xã hội. Nhưng để biện minh cho những hành động vô thức đó, người ta nguỵ biện bằng duy lý…
Để có thể hình dung hoạt động tâm lý của con người, Freud đã đưa ra một cấu trúc và cơ chế tâm lý như sau:
Tâm lý trong con người ta có 3 khối: Cái NÓ (bản năng, vô thức), Cái TÔI (tự ý thức) và Cái SIÊU TÔI (lương tri). Ba khối này hoạt động theo những Nguyên tắc khác nhau:
- Cái NÓ đòi hỏi Thoả mãn những nhu cầu đem lại Khoái lạc, mà lòng ham muốn những khoái lạc là vô cùng tận (ăn, uống, tình dục, của cải, quyền lực, lạc thú, ham sống, ích kỷ...); được thỏa mãn thì khoái chí, càng thèm khát, muốn duy trì, tận hưởng; bị ngăn chặn thì bức xúc, uất hận, muốn tiêu diệt kẻ cản phá... Cái NÓ có sẵn trong con người từ lúc lọt lòng (bú mẹ ngon lành thì thỏa mãn, miệng cười, mắt lim dim; bú không đủ sữa thì cằn nhằn, hờn dỗi,...). Cứ thế cái NÓ ngày càng nẩy nở, sinh sôi thành con ngựa bất kham trong người mình... Freud còn cho rằng hạt nhân của Cái NÓ là Libido (Dâm năng/Dục năng); Libido là tổng thể năng lượng dục tính của cái NÓ, là nguồn năng lượng sôi sục thúc đẩy mãnh liệt nhất, cấp thiết nhất những ước muốn, khát khao của con người.
- Cái SIÊU TÔI lại có chức năng Kiểm duyệt, Cấm đoán Cái NÓ. Đó là những phong tục, tập quán, chuẩn mực đạo đức, tôn giáo, pháp luật, kỷ luật, tín điều, lý tưởng... được tiếp thu từ giáo dục gia đình, nhà trường, cộng đồng, đoàn thể xã hội, trở thành Niềm tin, thành Giá trị, LƯƠNG TRI của cá nhân. Cái Siêu Tôi càng rõ ràng, bền vững bao nhiêu thì khả năng kiểm duyệt Cái NÓ càng hiệu quả bấy nhiêu.
- Cái TÔI ở giữa có chức năng điều chỉnh, cân bằng đời sống tâm lý của cá nhân. Cái TÔI luôn bị Cái NÓ thúc giục đòi thỏa mãn, tận hưởng; nhưng lại bị Cái SIÊU Tôi soi xét, kiểm duyệt, cấm đoán... nên Cái TÔI phải hoạt động theo nguyên tắc Thực tế. Nghĩa là nó phải tỉnh táo, tự ý thức, xem xét tình hình thực tế để thỏa mãn Cái NÓ sao cho chừng mực, hợp thời, hợp cảnh, phù hợp với yêu cầu của Cái Siêu Tôi và con mắt Xã hội nhìn vào. Vì vậy Cái TÔI nhiều khi rất khốn khổ trước ba sức ép của Cái NÓ, Cái SIÊU Tôi và Áp lực Xã hội, mà Freud gọi là “ba bạo chúa”.
Freud cho rằng, khi Cái TÔI chịu sức ép quá căng thẳng giữa Cái NÓ, Cái SIÊU Tôi và áp lực Xã hội, sẽ có những xung đột dẫn đến bị rối nhiễu tâm lý, sinh ra BỆNH TÂM THẦN (Ảo giác, Bi quan, Lo âu, sợ hãi, hay tức giận, Đa nghi, Hung hăng, Khó tập trung tâm trí, Hoang tưởng, Xa lánh mọi người, Ý nghĩ kỳ lạ, Kích động, Nghiện ngập, Trầm cảm, Lãnh cảm, Tuyệt vọng, Tự sát...), hay BỆNH THẦN KINH (Căng thẳng mãn tính, Đau đầu kéo dài, Giảm trí nhớ, Lú lẫn, Mất ngủ, Cuồng loạn (Hysteri), Sa sút trí tuệ,...).
Nhưng trước sức ép, Cái NÓ không được thỏa mãn trong thực tế, sẽ có thể thỏa mãn trong Giấc Mơ hay dồn năng lượng vào THĂNG HOA trong hoạt động Tôn giáo, nghiên cứu Khoa học, sáng tạo Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao... đem lại nhiều thành tựu, mà tác giả gửi những niềm đam mê, khát vọng của mình vào trong đó.
Người nào chiều theo Cái NÓ để thỏa mãn, tận hưởng, bất chấp cái SIÊU Tôi và Thực tế xã hội, sẽ tha hóa nhân tính (Vua cũng thành “Vua Quỷ”, “Vua Lợn”...).
Người nào Cái TÔI quá yếu, bị bóp nghẹt quy phục Cái Siêu Tôi tuyệt đối (hoặc tự nguyện đi theo) có thể dẫn đến “Diệt dục”, hoặc phải che đậy, dối trá thoả mãn Cái NÓ một cách lén lút, vụng trộm, trá hình...
Tóm lại, khi các giá trị Văn hóa, Đạo đức, Pháp luật của Xã hội bị đảo lộn sẽ khiến Cái Siêu Tôi trong mỗi con người rối nhiễu, mất hiệu lực kiểm soát; Cái TÔI tự ý thức vốn nhỏ
...